Trong năm nay, nhiều công ty chứng khoán từ nhỏ đến lớn đồng loạt thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Hầu hết mục đích huy động vốn nhằm bổ sung nguồn lực hoạt động, trong đó có đẩy mạnh cho vay margin.

Chẳng hạn tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 vừa diễn ra cách đây 2 ngày, ban lãnh đạo Công ty chứng khoán VIX trình cổ đông phương án phát hành gần 790 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 14.952 tỉ đồng, tức gấp 2,2 lần thời điểm hiện tại. Cụ thể, VIX dự kiến phát hành 66,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 10%; phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10%, tương đương 66,9 triệu cổ phiếu và chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu với số lượng 635,97 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu... Nguồn vốn huy động dự kiến gần 6.360 tỉ đồng được dùng bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và margin.

Các công ty chứng khoán ồ ạt đua phát hành cổ phiếu để tăng vốn, đẩy mạnh margin

Hay công ty đang dẫn đầu về thị phần môi giới chứng khoán là Công ty chứng khoán VPS dự kiến năm nay thực hiện các giải pháp tăng trưởng kinh doanh cốt lõi, mở rộng mạng lưới khách hàng, nghiên cứu sản phẩm dịch vụ mới, giải pháp quản trị rủi ro... Trong đó, VPS có kế hoạch tăng vốn điều lệ qua phát hành cho cổ đông hiện hữu 18,8 triệu cổ phiếu. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ VPS tăng từ 5.700 tỉ đồng hiện tại lên 5.888 tỉ đồng. Số tiền huy động hơn 188 tỉ đồng sẽ dùng bổ sung vốn điều lệ, tăng năng lực tài chính.

Tương tự, "ông lớn" về vốn là Công ty chứng khoán SSI cũng trình Đại hội cổ đông phương án phát hành cổ phiếu ESOP năm 2024, tiếp tục thực hiện phương án chào bán, phát hành cổ phiếu đã được thông qua trong năm 2023. Cụ thể, cuối tháng 12.2023, cổ đông SSI đã thông qua hai phương án tăng vốn bao gồm phát hành hơn 302,2 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn, theo tỷ lệ 100:20 và chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 15.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 100:10. Tổng cộng SSI sẽ phát hành thêm hơn 453,3 triệu cổ phiếu mới, đưa vốn điều lệ tăng từ hơn 15.111 tỉ đồng lên gần 19.645 tỉ đồng. Nếu thực hiện thành công, SSI tiếp tục giữ vị trí đứng đầu về vốn trong nhóm các công ty chứng khoán.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán Đầu tư tài chính Việt Nam (VISC) cũng đưa ra phương án phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để thu về 500 tỉ đồng. Nguồn vốn này để bổ sung cho hoạt động margin (từ 400 – 450 tỉ đồng) và tự doanh (50 – 100 tỉ đồng). Giải thích với cổ đông, ông Dương Quang Trung, Tổng Giám đốc: Việc tăng vốn đối với công ty thực sự là rất cần thiết. Thứ nhất là liên quan đến nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh ký quỹ. Thứ hai là tăng vốn để bổ sung thêm nghiệp vụ giao dịch chứng khoán phái sinh. Vốn thấp thì chắc chắn không hoạt động được. Cho nên việc tăng vốn rất cần thiết. Hiện chứng khoán VISC có vốn điều lệ 451 tỉ đồng.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam cũng sẽ trình cổ đông trong kỳ họp thường niên 2024 sắp tới về phương án phát hành hơn 3,03 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2024. Tỷ lệ thực hiện quyền là 99,04 : 1 (cổ đông sở hữu 99,04 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền mua cổ phần). Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của KB Việt Nam sẽ tăng thêm 30,3 tỉ đồng lên gần 3.032 tỉ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành được dùng để bổ sung cho hoạt động kinh doanh margin.

Một công ty chứng khoán khác là Rồng Việt cũng sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 3.240 tỉ đồng trong năm nay. Theo đó, Rồng Việt dự kiến phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức với tỷ lệ 11,5%, phát hành 8,85 triệu cổ phiếu ESOP và chào bán riêng lẻ 81 triệu cổ phiếu. Việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh của công ty.